Mô tả
MOXIPA 400 (Moxifloxacine 400mg)
Thuốc Moxipa 400 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Moxifloxacin. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với Moxifloxacin.
1. Thuốc Moxipa 400 công dụng là gì?
1 viên thuốc Moxipa 400 có chứa 400mg Moxifloxacin và các tá dược khác. Moxifloxacin là một 8-methoxyl-fluoroquinolon có phổ hoạt tính rộng, có tác dụng diệt khuẩn. Moxifloxacin có thể chống lại các vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn bền vững với axit và vi khuẩn không điển hình,…
Tác động diệt khuẩn của Moxifloxacin là do can thiệp vào men topoisomerase II và IV. Các Topoisomerase chính là các men cần thiết kiểm soát quá trình hình học của DNA, giúp nhân đôi, sao chép và sửa chữa DNA.
Chỉ định sử dụng thuốc Moxipa 400:
Thuốc thường được chỉ định khi các thuốc kháng sinh điều trị ban đầu không phù hợp hoặc không có hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng. Chỉ định điều trị cho những bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên bị nhiễm khuẩn bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Moxifloxacin gồm:
Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng mức độ nhẹ và trung bình;
Các bệnh viêm vùng chậu mức độ nhẹ tới trung bình: Nhiễm trùng đường sinh dục trên của nữ (viêm vòi trứng, viêm nội mạc tử cung) mà không có áp xe vòi trứng hoặc hố chậu. Moxifloxacin không khuyến cáo sử dụng đơn trị liệu cho bệnh viêm vùng chậu mà nên phối hợp với 1 thuốc kháng sinh diệt khuẩn khác như cephalosporin để tránh kháng thuốc;
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không nghiêm trọng;
Viêm xoang cấp tính;
Đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn tính;
Điều trị bổ sung nhiễm trùng da và tổ chức dưới da có biến chứng.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Moxipa 400:
Người bị mẫn cảm với Moxifloxacin, các quinolon khác hoặc tá dược khác của thuốc;
Bệnh nhân dưới 18 tuổi;
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú;
Người bệnh có khoảng QT kéo dài;
Người bệnh có tiền sử mắc bệnh gân cơ liên quan tới sử dụng thuốc quinolon;
Bệnh nhân rối loạn điện giải, đặc biệt là hạ kali máu;
Người bệnh nhịp tim chậm, suy tim, tiền sử loạn nhịp tim có triệu chứng;
Bệnh nhân suy gan nặng, có transaminase tăng gấp 5 lần ULN.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Moxipa 400
Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc với một lượng nước vừa đủ, uống cùng hoặc sau bữa ăn đều được.
Liều dùng: Nên xác định thời gian điều trị tùy mức độ nặng của chỉ định hoặc đáp ứng lâm sàng. Người bệnh có thể sử dụng liều khuyến cáo sau:
Người lớn:
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng: 400mg/lần/ngày, dùng trong 10 ngày;
Viêm vùng chậu nhẹ tới trung bình: 400mg/lần/ngày, dùng trong 14 ngày;
Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn: 400mg/lần/ngày, dùng trong 7 ngày;
Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: 400mg/lần/ngày, dùng trong 5 – 10 ngày;
Tổng thời gian điều trị nối tiếp viêm phổi cộng đồng (khởi đầu bằng truyền tĩnh mạch rồi chuyển sang uống) từ 7 – 14 ngày;
Tổng thời gian điều trị nối tiếp nhiễm trùng da và tổ chức dưới da có biến chứng (khởi đầu bằng truyền tĩnh mạch rồi chuyển sang uống) từ 7 – 21 ngày.
Các đối tượng khác:
Người bệnh suy gan: Không có đủ dữ liệu về việc thay đổi liều ở bệnh nhân suy gan;
Người bệnh suy thận: Không cần điều chỉnh liều, kể cả người đang lọc máu kéo dài;
Trẻ em và thanh thiếu niên: Không dùng thuốc ở người chưa đủ 18 tuổi;
Người cao tuổi, người có trọng lượng nhẹ: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc.
Quên liều: Nếu quên uống 1 liều thuốc Moxipa 400, bệnh nhân nên uống ngay khi nhớ ra. Trường hợp gần thời gian uống liều tiếp theo thì người bệnh nên bỏ qua liều đã quên, không cần uống gấp đôi liều để bù liều.
Quá liều: Khi dùng thuốc Moxipa 400 quá liều, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp xử lý là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, loại bỏ thuốc ra khỏi dạ dày, bù dịch và theo dõi điện tâm đồ của bệnh nhân.
3. Tác dụng phụ của thuốc Moxipa 400
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Moxipa 400 gồm:
Nhiễm trùng/ký sinh trùng: Nhiễm nấm;
Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng tiểu cầu, kéo dài thời gian prothrombin/tăng chỉ số INR, mất bạch cầu hạt, tăng nồng độ prothrombin/giảm chỉ số INR;
Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng dị ứng, ngứa da, ban da, mày đay, tăng bạch cầu ưa eosin trong máu, phản ứng phản vệ, phù dị ứng, phù mạch (kể cả phù thanh quản, có thể đe dọa tính mạng);
Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Hạ đường huyết, tăng lipid máu, tăng đường huyết, tăng acid uric máu;
Rối loạn về tâm thần: Phản ứng lo âu, tăng hoạt động tâm thần vận động, cảm xúc không ổn định, trầm cảm, ảo giác, phản ứng loạn thần nặng có thể dẫn đến tự gây tổn thương thân thể, tự tử,…;
Rối loạn về hệ thần kinh: Đau đầu, choáng váng, dị cảm, rối loạn cảm giác, rối loạn vị giác (kể cả mất vị giác), giảm cảm giác, giấc mơ bất thường, rối loạn khứu giác (kể cả mất khứu giác), rối loạn phối hợp vận động, tăng cảm giác, chóng mặt, động kinh, rối loạn chú ý, giảm trí nhớ, các rối loạn về giọng nói, bệnh lý thần kinh ngoại vi và đa dây thần kinh;
Rối loạn về mắt: Rối loạn thị giác, mất thị lực thoáng qua;
Rối loạn về tai và mê đạo: Ù tai, suy giảm thính lực, bao gồm cả điếc (thường có thể hồi phục);
Rối loạn về hệ tim mạch: Kéo dài khoảng QT ở người bị hạ kali máu, kéo dài khoảng QT, đánh trống ngực, giãn mạch, nhịp tim nhanh, nhịp nhanh thất, ngất, tăng huyết áp, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, xoắn đỉnh, ngừng tim, viêm mạch;
Rối loạn về hệ hô hấp, trung thất và lồng ngực: Khó thở (kể cả bệnh hen);
Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, đau bụng và đau dạ dày, tiêu chảy, giảm cảm giác ngon miệng, ăn ít, đầy hơi, rối loạn vị giác, viêm dạ dày ruột, tăng amylase, khó nuốt, viêm miệng, viêm ruột kết liên quan tới sử dụng kháng sinh;
Rối loạn gan – mật: Tăng các enzyme transaminase, tổn thương chức năng gan (gồm tăng LDH), tăng bilirubin, tăng gamma-glutamyl-transferase, tăng phosphatase kiềm trong máu, vàng da, viêm gan ứ mật, viêm gan tối cấp dẫn đến suy gan;
Rối loạn về da và mô dưới da: Ngứa da, phát ban, nổi mề đay, da khô, phản ứng bỏng rộp trên da như hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc;
Phản ứng về hệ cơ xương và mô liên kết: Đau cơ, đau khớp, yếu cơ, viêm gan, tăng trương lực cơ và chuột rút, đứt gân, viêm khớp, rối loạn dáng đi (do triệu chứng trên cơ, gân hoặc khớp), làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh nhược cơ;
Rối loạn về thận và tiết niệu: Mất nước, tổn thương chức năng thận (tăng BUN và creatinin), suy thận;
Rối loạn chung và phản ứng xảy ra ở vị trí dùng thuốc: Cảm giác mệt mỏi, xuất hiện cơn đau không xác định, toát mồ hôi, phù nề,…
Nên ngừng sử dụng Moxifloxacin khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng quá mẫn, có tác dụng phụ lên thần kinh như co giật, ảo giác, lú lẫn, run rẩy, có ý nghĩ tự sát, viêm, đau hoặc bong gân.
Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, rối loạn vị giác, đau bụng,… thường ở mức độ nhẹ nên không cần can thiệp điều trị. Nếu người bệnh có dấu hiệu viêm đại tràng màng giả thì cần theo dõi mức độ tiêu chảy, nếu nặng cần điều trị bằng kháng sinh khác phù hợp hơn.
Đồng thời, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy có bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng thuốc để được hỗ trợ kịp thời, có biện pháp xử trí thích hợp nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Moxipa 400
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Moxipa 400:
Moxifloxacin có thể làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ ở một số người bệnh (phụ nữ, người già, bệnh nhân hạ kali máu chưa điều trị). Do đó, không nên sử dụng quá liều thuốc được khuyến cáo, thận trọng khi sử dụng Moxifloxacin ở người bệnh có tình trạng loạn nhịp tim liên tục (như thiếu máu cục bộ cấp tính). Nếu có dấu hiệu rối loạn nhịp tim khi dùng Moxifloxacin, nên ngừng dùng thuốc, thực hiện ECG;
Trong một số trường hợp, người bệnh gặp phản ứng quá mẫn hoặc dị ứng sau lần dùng thuốc Moxifloxacin đầu tiên. Bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ. Với trường hợp gặp phản ứng phản vệ hoặc sốc thì cần ngưng dùng thuốc và có phương án điều trị nội khoa phù hợp;
Đã có trường hợp sử dụng thuốc Moxifloxacin bị viêm gan tối cấp, dẫn tới suy gan, thậm chí tử vong. Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ trước khi tiếp tục điều trị nếu xuất hiện các triệu chứng liên quan tới suy gan;
Đã có trường hợp gặp phản ứng da bỏng rộp như hội chứng Stevens – Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc khi sử dụng thuốc Moxifloxacin. Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ trước khi tiếp tục điều trị nếu xuất hiện các phản ứng da hoặc niêm mạc;
Khi điều trị với thuốc Moxifloxacin, các cơn động kinh có thể xảy ra. Nên dùng thuốc thận trọng ở người đã có hoặc nghi ngờ có các rối loạn thần kinh trung ương có thể dẫn tới cơn động kinh. Trong trường hợp xảy ra cơn động kinh, người bệnh nên ngưng dùng thuốc Moxifloxacin và thay thế bằng biện pháp phù hợp hơn;
Đã có trường hợp người bệnh sử dụng thuốc Moxifloxacin bị dị cảm, tăng/giảm cảm giác, rối loạn cảm giác, yếu cơ,… Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ trước khi tiếp tục điều trị nếu xảy ra các triệu chứng của bệnh dây thần kinh như nóng, đau, ngứa da, tê, yếu cơ,…;
Khi sử dụng thuốc Moxifloxacin, các phản ứng tâm thần có thể xảy ra. Rất hiếm gặp trường hợp trầm cảm hoặc loạn thần dẫn đến tự tử, tự gây thương tích cho bản thân. Trong trường hợp mắc phải các phản ứng này, bệnh nhân nên ngừng thuốc, sử dụng biện pháp thích hợp hơn. Cần thận trọng khi sử dụng Moxifloxacin ở người bệnh loạn thần hoặc có bệnh sử mắc bệnh tâm thần;
Người bệnh sử dụng thuốc Moxifloxacin có thể bị viêm đại tràng. Cần liên hệ tới nguy cơ này nếu bệnh nhân bị tiêu chảy nghiêm trọng khi dùng thuốc. Trong trường hợp này, cần điều trị phù hợp, chống chỉ định sử dụng thuốc ức chế nhu động ruột ở bệnh nhân tiêu chảy nghiêm trọng;
Thận trọng khi sử dụng thuốc Moxifloxacin ở người bệnh nhược cơ nặng vì có thể làm các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn;
Khi điều trị bằng Moxifloxacin, đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc đang dùng thuốc corticosteroid, người bệnh có thể bị viêm gân và đứt gân. Khi có dấu hiệu đầu tiên của đau hoặc viêm, người bệnh nên ngưng thuốc, để các chi bị ảnh hưởng nghỉ ngơi nhiều hơn;
Thận trọng khi sử dụng thuốc Moxifloxacin ở người cao tuổi bị rối loạn chức năng thận. Nên duy trì cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể vì mất nước có thể làm gia tăng nguy cơ suy thận;
Nếu khi dùng thuốc Moxifloxacin mà bị suy giảm thị lực hoặc gặp bất cứ vấn đề nào về mắt, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn kịp thời;
Bệnh nhân sử dụng thuốc Moxifloxacin có thể bị rối loạn đường huyết (gồm cả tăng và giảm đường huyết). Tình trạng rối loạn đường huyết thường xảy ra ở người lớn tuổi bị tiểu đường đang điều trị với 1 thuốc hạ đường huyết dạng uống hoặc insulin. Ở người bệnh tiểu đường, nên theo dõi chặt chẽ nồng độ đường huyết;
Khi điều trị bằng Moxifloxacin, người bệnh nên tránh tiếp xúc nhiều với tia cực tím hoặc ánh sáng mặt trời;
Người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị thiếu hụt men G6PD dễ bị tan huyết khi dùng thuốc Moxifloxacin nên cần thận trọng;
Người không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose – galactose hoặc thiếu lactase Lapp không nên dùng thuốc Moxipa 400;
Người bệnh viêm/nhiễm trùng vùng hố chậu phức tạp (liên quan tới áp xe vòi trứng – buồng trứng) không nên dùng viên nén Moxipa 400 mà nên điều trị tiêm truyền tĩnh mạch;
Bệnh nhân viêm vùng chậu do Neisseria gonorrhoeae kháng fluoroquinolon nên phối hợp Moxifloxacin với 1 kháng sinh khác như cephalosporin để loại trừ Neisseria gonorrhoeae. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau 3 ngày thì nên xem xét điều trị lại;
Không nên dùng Moxifloxacin để điều trị nhiễm khuẩn do MRSA mà nên sử dụng kháng sinh khác phù hợp hơn;
Moxifloxacin có thể gây ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm nuôi cấy Mycobacterium spp.;
Ngừng sử dụng thuốc Moxifloxacin khi người bệnh có các phản ứng có hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nên tránh sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolon cho người bệnh đã gặp các phản ứng nghiêm trọng liên quan tới fluoroquinolon;
Hiện chưa có nghiên cứu về tính an toàn của Moxifloxacin khi sử dụng cho phụ nữ có thai. Do đó, chống chỉ định sử dụng thuốc này ở phụ nữ mang thai;
Moxifloxacin có thể gây tổn thương ở sụn đối với các khớp chịu lực ở động vật chưa trưởng thành. Các bằng chứng cho thấy có 1 lượng nhỏ thuốc này có thể được tiết vào sữa mẹ. Do vậy, chống chỉ định sử dụng thuốc này ở bà mẹ đang nuôi con bú;
Thuốc Moxipa 400 có thể gây các phản ứng có hại lên hệ thần kinh trung ương và rối loạn thị lực. Do vậy, người bệnh cần được tư vấn về các tác dụng phụ này trước khi lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Moxipa 400
Một số tương tác thuốc của Moxipa 400 gồm:
Tránh phối hợp Moxifloxacin với các loại thuốc sau:
Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm IA: Hydroquinidin, quinidin, disopyramid;
Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III: Sotalol, amiodaron, ibutilid, dofetinid;
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng;
Thuốc chống loạn thần (pimozid, phenothiazin, sultoprid, haloperidol);
Một số thuốc kháng khuẩn: Sparfloxacin, saquinavir, erythromycin IV, halofantrin, pentamidin;
Một số thuốc kháng histamin (terfenadin, mizolastin, astemizol);
Các thuốc khác: Vincamin IV, cisaprid, bepridil, diphemanil;
Thận trọng khi sử dụng Moxifloxacin đồng thời với các thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu quai và lợi tiểu thiazid, corticosteroid, amphotericin B;
Sử dụng đồng thời thuốc Moxifloxacin liều uống 400mg cùng với than hoạt tính sẽ làm giảm tính khả dụng toàn thân của Moxifloxacin đến 80% vì nó ngăn cản quá trình hấp thu thuốc;
Sử dụng đồng thời thuốc chống đông máu với thuốc Moxifloxacin có thể làm tăng hoạt tính chống đông. Các yếu tố nguy cơ gồm bệnh nhiễm trùng, tuổi tác và sức khỏe toàn trạng của bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết, nên điều chỉnh liều lượng thuốc chống đông máu cho phù hợp.
Khi sử dụng thuốc Moxipa 400, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, các loại thuốc mình đang dùng, mới dùng,… nhằm có sự điều chỉnh phù hợp, tránh nguy cơ tương tác thuốc. Điều này đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và giảm đáng kể nguy cơ xảy ra các biến chứng, tác dụng phụ khó lường.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.